Bệnh nấm da là gì mà lại gây ngứa rất khó chịu? Trong khi đó, gãi lại làm lây lan mầm bệnh, đồng thời làm nhiễm trùng da gây mưng mủ, lở loét … gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Bệnh nấm da là gì?
Bệnh nấm da là một bệnh thường gặp và do vi nấm dermatophytes gây nên. Đây là căn bệnh phổ biến với tỷ lệ mắc khoảng trên 27%.
Bệnh nấm da có thể lây truyền từ người sang người, nếu trong gia đình có người bị bệnh thì khả năng lây là rất cao nếu dùng chung đồ, ngủ chung hoặc không chú ý đến vấn đề vệ sinh cá nhân.
Khi bị nấm da, bạn sẽ thấy da xuất hiện dạng vòng tròn, đóng vảy, sưng đỏ, ngứa ngáy. Theo thời gian, các vòng tròn dần lan rộng ra, chồng chéo lên nhau. Khi gãi ngứa quá nhiều, da có thể gặp tình trạng sưng, chảy nước và tạo điều kiện cho nhiễm trùng nặng hơn.
Thông thường nhiều sợi nấm liên kết với nhau tạo thành búi nấm. Khi sợi nấm đã già hoặc hết chất dinh dưỡng thì búi nấm sẽ hình thành bào tử. Nấm sẽ phát triển ở vùng da nào ẩm ướt, có nhiều mồ hôi như ở bẹn, bìu, kẽ các ngón chân, tay, xung quanh thắt lưng, nếp dưới vú, nách, cổ và ngay cả da vùng đầu. Trong quá trình sống, sợi nấm phát triển và tiết ra độc tố kích thích da gây ngứa.
Các loại nấm da sẽ giải thích rõ hơn bệnh nấm da là gì
Những bệnh nấm da thường hay gặp và phổ biến ở Việt Nam bao gồm:
Nấm thân
Điển hình là nấm gây bệnh hắc lào. Dấu hiệu đầu tiên là ngứa vùng bị bệnh, sau đó thấy một vệt màu hơi đỏ, có viền, bờ rõ rệt, trên viền đó có các mụn nước lấm tấm. Viền này ngày càng lan rộng, tạo thành nhiều hình vòng cung nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Vị trí thường gặp là ở vùng kín, nếp gấp kễ lớn: như kẽ bẹn 2 bên, kẽ mông, quanh thắt lưng… Bệnh lành tính, nếu không điều trị kịp thời, đúng phác đồ sẽ trở thàn mãn tính dễ tái phát và biến chứng viêm da nhiễm khuẩn.
Nấm kẽ
Căn nguyên của bệnh là do vi nấm epidermophyton, nấm trichophyton hay còn do nấm candida albicans. Ban đầu bợt trắng, hơi bong vảy, chợt nông, nổi mụn nước, có khi viêm tẩy do nhiễm khuẩn thứ phát, về sau lan lên mu bàn chân, xuống mặt dưới bàn chân, kẽ các ngón khác.
Bệnh thường gặp ở người chân bị ngâm trong nước nhiều giờ, liên tục nhiều ngày do nghề nghiệp như: nông dân, người làm công tác vệ sinh cống rãnh, vận động viên bơi lội, người mò cua bắt ốc… Nấm kẽ thường có 3 thể: thể tróc vảy khô, thể mụn nước và thể viêm kẽ.
Nấm móng
Nấm móng chiếm trên 90% các trường hợp, thường do trichophyton gây nên. Bệnh biểu hiện ở bờ tự do của móng hay ở 2 bên cạnh của móng. Khi bị bệnh, móng mất màu bóng, bị đẩy nhô lên hoặc khuyết vào, trên mặt móng lỗ chỗ hoặc thành rãnh.
Nấm tóc
Nấm tóc do piedra hortae gây nên. Biểu hiện là trên mỗi một sợi tóc có nhiều hạt màu đen bám vào. Tuy vậy, bệnh nhân không thấy có gì khác thường và tóc cũng không bị rụng. Trong khi đó loại nấm tóc do trichophyton gây ra thì bệnh biểu hiện tổn thương trên da đầu.
Da đầu có nhiều vết tròn nhỏ, kích thước bé khoảng từ 3 – 5mm, hoặc có vảy mỏng hay ngứa da vùng đầu, tóc bị xén cụt ngắn.
Nấm lang ben
Thường bị về mùa hè, những người thường lạm dụng xà phòng, mặc áo chật, bề mặt da ẩm… Ban đầu là các chấm, vết, dát hình tròn đường kính 1-2 mm, trông giống bèo tấm, ăn khớp lỗ chân lông, thường có màu trắng, hồng (nhất khi ra mồ hôi), đôi khi có màu nâu. Các tổn thương liên kết với nhau thành các đám có hình vằn vèo, hình bản đồ giới hạn rõ, bề mặt có vảy nhỏ (vảy cám).
Lang ben do nấm pityrosporum gây nên. Bệnh lang ben thường có 2 dạng: dạng màu trắng và dạng màu đen. Bệnh gây ngứa, nhất là khi ra nắng hay ra nhiều mồ hôi. Lúc này bệnh nhân có cảm giác như kim chích nhẹ gây ngứa ngáy khó chịu.
Khi nào bị mắc nấm da?
Nấm da là bệnh thường thấy ở Việt Nam do nước ta ở trong vùng nhiệt đới (nóng ẩm) nên thích hợp cho các vi nấm phát triển. Nấm sống bằng cách ký sinh vào vật chủ như thực vật, động vật và người.
Vệ sinh không sạch sẽ dẫn đến bị nấm da ở những khu vực hay ra mồ hôi như kẽ tay, chân, nách, vùng kín… Nấm phát triển mạnh trong nhiệt độ từ 27 – 35 độ C. Do đó chúng ta dễ bị mắc bệnh nấm da vào mùa hè.
Tỷ lệ mắc bệnh nấm ngoài da chiếm khoảng 27,3%, căn nguyên gây bệnh thường gặp ở 3 chủng: Epidermophyton, Trichophyton và Microsporum. Các chủng nấm này phát triển thuận lợi ở môi trường nóng ẩm, có nhiều chất dinh dưỡng và trong cơ thể suy giảm miễn dịch (dùng kháng sinh kéo dài, dùng các thuốc ức chế miễn dịch…).
Nấm xâm nhập vào người theo 3 con đường: Từ người sang người, từ động vật sang người và từ đất sang người (hoặc sang động vật). Nó có khả năng sản xuất ra men keratinase cho phép xâm nhập vào lớp sừng.