Những điều cần biết về mụn trứng cá

Mụn trứng cá là một trong những bệnh lý về da phổ biến nhất, đặc biệt ở lứa tuổi dậy thì. Tuy nhiên, điều trị mụn không phải chuyện đơn giản, cần có sự tư vấn và điều trị từ các bác sĩ chuyên khoa da liễu.

Mụn trứng cá là gì?

Mụn trứng cá là tình trạng viêm da mãn tính và có thể gây ra các đốm đỏ, mụn nhọt ở bất kì đâu trên cơ thể, đặc biệt là vị trí mặt, vai, lưng, cổ, ngực và vùng cánh tay trên.

Mụn trứng cá thường không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng lại có xu hướng tồn tại dai dẳng, hay tái phát. Biến chứng thường gặp là vết thâm sau mụn, sẹo lõm hoặc sẹo lồi, gây mất thẩm mỹ, làm suy giảm đáng kể đến chất lượng cuộc sống của người bệnh kể cả tâm lý, trầm cảm.

Mụn có thể chỉ là vài nốt nhỏ cộm lên không đau (tình trạng nhẹ), mụn đỏ sưng tấy (tình trạng trung bình), nhưng cũng có thể rất đau và nghiêm trọng đến mức có bọc mủ.

Mụn trứng cá xảy ra với những ai?

Bệnh mụn trứng cá xảy ra ở mọi độ tuổi và có thể tái đi tái lại nhiều lần. Xuất hiện nhiều nhất ở độ tuổi dậy thì bởi đây là khoảng thời gian có sự thay đổi về hormone trong cơ thể.

Theo thống kê, loại mụn này ảnh hưởng đến 75% người trong độ tuổi từ 11 đến 30 tuổi. Điều này được giải thích do ở độ tuổi này, tuyến bã nhờn sẽ hoạt động mạnh gây bí bách da và dẫn đến viêm nhiễm do sự tích tụ của bụi bẩn, vi khuẩn…

Khoảng 80-90% thanh niên bị ảnh hưởng bởi mụn trứng cá ở các mức độ khác nhau, và có đến 20-30% trong số đó cần được hỗ trợ bởi các liệu pháp y học. Số lượng người trưởng thành bị mụn trứng cá cũng ngày càng gia tăng, đặc biệt là ở phụ nữ.

Những điều cần biết về mụn trứng cá
Những điều cần biết về mụn trứng cá

Các loại mụn

Tùy theo đặc điểm và mức độ của từng loại mụn, mụn trứng cá có thể bao gồm mụn đầu trắng, mụn đầu đen, mụn nhọt, mụn mủ …

Mụn bọc là một trong những loại mụn nặng nhất của mụn trứng cá. Mụn bọc có kích thước khá lớn và bị sưng đỏ. Người bị mụn bọc sẽ cảm thấy đau đớn ở vùng mụn mọc. Loại mụn này thường hay xuất hiện ở vùng cằm và vùng mũi.

Mụn mủ là loại mụn viêm xuất hiện rõ ràng trên bề mặt da. Loại mụn này thường có đầu trắng và xung quanh là màu đỏ. Mủ của mụn này thường có màu trắng đục hoặc màu vàng. Khi bị mụn mủ, vùng da xung quanh mụn sẽ sưng tấy và gây đau. Loại mụn này cũng sẽ để lại các vết thâm sẹo trên da sau khi lấy đi nhân mụn.

Mụn đầu đen được xem là một loại mụn ở dạng nhẹ của mụn trứng cá. Mụn đầu đen hình thành khi dầu thừa và tế bào chết bị tắc ở nang lông. Màu đen ở đầu mụn là do sự oxy hóa của không khí đối với dầu thừa trên da. Loại mụn này không gây sưng tấy cho da. Bởi vì nhân mụn nằm phía trong nang lông và chỉ lộ một phần nhỏ phía đầu của mụn.

Mụn đầu trắng xuất hiện do sự tích tụ của dầu thừa cùng với bụi bẩn và vi khuẩn bị tắc ở phía bên trong lỗ chân lông. Vì lỗ chân lông bị bít tắc nên mụn bị dội xuống dưới và lại bị đẩy lên ngay phía dưới bề mặt da, hình thành nên đầu màu trắng. Thông thường, mụn sẽ mọc li ti ở nhiều nơi trên bề mặt da. Mụn đầu trắng không gây viêm cho da và khá dễ để điều trị.

Nguyên nhân mụn trứng cá

Mụn trứng cá liên quan đến tuyến bã nhờn dưới da. Những lỗ trên da được gọi là lỗ chân lông và đường dẫn chất nhờn từ tuyến bã nhờn đến lỗ chân lông được gọi là nang lông. Những nốt mụn đỏ hình thành khi nang lông của bạn bị lượng lớn chất nhờn và tế bào chết làm tắc nghẽn, dẫn đến viêm.

Trong giai đoạn dậy thì, các nội tiết tố có thể làm cho da tiết quá nhiều dầu nhờn, dẫn đến tắc lỗ chân lông, từ đó hình thành nên mụn. Nếu như trên đầu mụn có màu đen gọi là mụn đầu đen; nếu như trên đầu mụn màu trắng thì gọi là mụn đầu trắng.

Nguyên nhân chính là nang lông bị viêm hoặc tắc nghẽn gây ra mụn, những tác nhân thường là tăng tiết bã nhờn, sừng hóa lỗ chân lông, vi khuẩn P.Acnes. Bên cạnh đó, còn có những yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng mụn như nội tiết, chế độ dinh dưỡng, sử dụng thuốc (điển hình là corticosteroid), chăm sóc da không đúng cách …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *