Viêm da cơ địa là nỗi ám ảnh của nhiều người vì các triệu chứng khó chịu mà nó gây ra. Song song đó, viêm da cơ địa và các bệnh đi kèm còn là vấn đề mà người bệnh cần lưu ý.
Viêm da cơ địa và các bệnh đi kèm – Danh sách
Nhiễm trùng biểu bì (da):
- Bệnh lây lan do Vi khuẩn – Tụ cầu/Chốc lở
- Rộp môi do virus herpes
- Nấm
- Các tình trạng khác của da:
- Bạch biến
Rối loạn tâm lý và tâm thần
- Trầm cảm
- Lo âu
- Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD)
- Rối loạn Phổ Tự Kỷ (ASD)
Dị ứng
- Dị ứng, không dung nạp thực phẩm
Bệnh về tim mạch
- Tăng áp động mạch / Xơ vữa động mạch
- Đột quỵ
- Tiền tiểu đường
- Tiểu đường
- Béo phì
- Gan nhiễm mỡ
- Rối loạn mỡ máu (Tăng cholesterol)
Mắt
- Viêm kết mạc dị ứng
- Đục thủy tinh thể
- Viêm kết giác mạc dị ứng (AKC)
- Viêm mũi dị ứng
Đường hô hấp
- Sốt cỏ khô
- Hen suyễn
- Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên cấp tính
- Viêm họng cấp
Mệt mỏi, mất ngủ
Diễn giải viêm da cơ địa và các bệnh đi kèm
Rối loạn tâm lý
Viêm da cơ địa là bệnh da liễu mãn tính và có khả năng tái phát nhiều lần. Bệnh gây ngứa ngáy, sưng đau và nóng rát, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, giấc ngủ, hoạt động làm việc, học tập và sinh hoạt.
Nhất là đối với bệnh nhân nhỏ tuổi hoặc thanh thiếu niên. Khi bệnh chuyển sang mạn tính, chất lượng cuộc sống giảm, ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý, hành vi người bệnh. Hậu quả là nguy cơ mắc bệnh tâm lý khi trưởng thành.
ADHD – Rối loạn tăng động giảm chú ý
43% trẻ đang mắc viêm da cơ địa có nguy cơ bị ADHD hoặc xuất hiện các triệu chứng lâm sàng ADHD. Sự liên quan giữa viêm da cơ địa và ADHD không phụ thuộc vào môi trường tiếp xúc cũng như các bệnh đi kèm khác. Nguyên nhân chính là giấc ngủ.
Bệnh về tim mạch
Ảnh hưởng về tâm lý từ viêm da cơ địa khiến người trưởng thành thường xuyên hút thuốc, uống rượu/bia, ít tập thể dục. Phần lớn trẻ em thì mắc bệnh béo phì loại II, III. Ngoài ra còn có cao huyết áp, tiền tiểu đường, tiểu đường và cholesterol cao.
Tụ cầu vàng
Tổn thương da của bệnh nhân viêm da cơ địa thường có sự hiện diện của một số loài vi khuẩn đặc biệt là tụ cầu vàng. Tỷ lệ nhiễm tụ cầu vàng ở da bệnh lý cao hơn hẳn so với da bình thường và cao hơn nhiều lần người bình thường.
Tụ cầu vàng là loài vi khuẩn có độc lực cao, không chỉ gây bệnh ngoài da như chốc, nhọt, viêm nang lông… mà còn có thể xâm nhập vào trong các cơ quan khác gây biến chứng nhiễm trùng nhiễm độc, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh.
Hiện nay các chủng tụ cầu có xu hướng kháng với các kháng sinh nhóm penicillin do có men penicillinase, ngoài ra còn có chủng tụ cầu kháng methicillin. Chính vì vậy, việc đánh giá tình hình kháng kháng sinh của các chủng tụ cầu phân lập được trên da bệnh nhân viêm da cơ địa có ý nghĩa quan trọng giúp định hướng đúng trong sử dụng kháng sinh, điều trị hiệu quả các trường hợp viêm da cơ địa có nhiễm tụ cầu vàng, góp phần rút ngắn thời gian điều trị, giảm chi phí và tăng chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân viêm da cơ địa.
Tụ cầu vàng là tác nhân gây bệnh quan trọng, gây nên hàng loạt bệnh nhiễm trùng từ nhiễm trùng da và mô khu trú (SSTIs) đến viêm cân mạc hoại tử nghiêm trọng và các bệnh nhiễm trùng đe dọa đến tính mạng.
Tụ cầu vàng xuất hiện ở 55-75% vùng da không mắc AE, 85-91% các tổn thương liken hóa và 80–100% các tổn thương da do xuất tiết.
Bệnh chốc lở
Chốc là một nhiễm trùng da bề mặt với lớp vảy tiết hoặc bọng nước gây ra bởi liên cầu Streptococci, tụ cầu Staphylococci, hoặc cả hai. Chốc lở là bệnh chốc mà có lở.
Không có tiền tổn thương nào được xác định ở hầu hết các bệnh nhân, nhưng bệnh chốc có thể xuất hiện ở bất kỳ vùng da nào có sự phá vỡ. Trong các trường hợp thương tổn do viêm da cơ địa, tỷ lệ 70-85% bệnh nhân có thể bị chốc lở.
Virus herpes
Viêm da herpes (EH) là tình trạng tổn thương da do virus Herpes Simplex 1 (HSV1) gây ra. Bệnh cũng thường gặp ở những bệnh nhân viêm da cơ địa hoặc do dị ứng khi tiếp xúc, hoặc có thể là viêm da dầu.
Viêm da do Herpes (EH) gây ra do virus Herpes đơn dạng nhóm 1 (HSV-1), virus Herpes đơn dạng nhóm (HSV-2), vius Herpes zoster, virus Coxsackie v.v. Vì vậy, EH có thể xuất hiện ở những trẻ em mắc viêm da cơ địa sau khi tiêm chủng đậu mùa.
Hen suyễn và viêm mũi dị ứng
“Hen suyễn rất thường gặp ở nhóm bệnh nhân viêm da cơ địa” đây là kết quả từ một nghiên cứu phân tích gộp được đăng tải trên tạp chí Journal of the American Academy of Dermatology vào tháng 2/2021. Mục tiêu chính của nghiên cứu này là xác định tỷ lệ mắc hen suyễn và các triệu chứng hô hấp khác ở nhóm bệnh nhân viêm da cơ địa. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng đánh giá mối tương quan giữa viêm da cơ địa và hen suyễn.
Tỷ lệ hen suyễn chung ở nhóm bệnh nhân viêm da cơ địa là 25.7% (KTC95% 23.7 – 27.7) cao hơn có ý nghĩa thống kê so với tỉ lệ 8.1% (KTC95% 7.0 – 9.4) ở nhóm chứng. Qua đó giúp chứng minh được mối tương quan mạnh mẽ giữa viêm da cơ địa và bệnh hen suyễn (OR = 3.03, KTC95% 2.64 – 3.47).
Nhóm viêm da cơ địa mức độ trung bình – nặng có tỉ lệ hen suyễn cao hơn so với nhóm viêm da cơ địa nhẹ dù sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê theo nghiên cứu phân tích gộp này. Tuy nhiên, theo kết quả của một nghiên cứu đoàn hệ lớn của tác giả Sicras Mainar A thì tỉ lệ bệnh hen suyễn gia tăng theo mức độ nặng của viêm da cơ địa, là 12.1% ở nhóm viêm da cơ địa nhẹ và 33.7% ở nhóm bệnh nặng (p < 0.001).
Tỉ lệ hen suyễn giữa nhóm nam giới và nữ giới mắc viêm da cơ địa là tương đương nhau.
Mối tương quan giữa hen suyễn và viêm da cơ địa được giải thích là do cả 2 bệnh lí này đều gây đáp ứng miễn dịch type 2 và đều có nồng độ IgE trong huyết thanh tăng cao. Bên cạnh đó, mối liên hệ giữa viêm da cơ địa và bệnh hen suyễn càng được củng cố khi cả 2 bệnh lí này đều cải thiện khi được điều trị bằng thuốc sinh học kháng lại thụ thể interleukin 4_Dupilumab.
Dị ứng thực phẩm
Khoảng 50-70% trẻ em khởi phát viêm da cơ địa nhạy cảm với một hoặc nhiều tác nhân gây dị ứng. Những tác nhân thực phẩm phổ biến bao gồm: sữa bò, trứng gà, đậu phộng. Trong nhiều nghiên cứu báo cáo, khoảng 20-80% trẻ em viêm da cơ địa bị ảnh hưởng.
Viêm kết mạc dị ứng
Viêm kết mạc dị ứng là phản ứng viêm cấp tính, từng lúc hoặc mạn tính thường do các tác nhân dị ứng trong không khí. Các triệu chứng bao gồm ngứa, chảy nước mắt, xuất tiét, và cương tụ kết mạc. Chẩn đoán dựa vào lâm sàng.
Bệnh viêm kết mạc dị ứng vốn không gây nguy hiểm nhiều đến sức khỏe nhưng nếu không phát hiện và điều trị đúng chỉ định thì có thể gây nên những vấn đề sức khỏe nguy hiểm như loét giác mạc và giảm thị lực.
Đây là một bệnh viêm mãn tính song song giữa bề mặt mắt và mí mắt. Sinh lý bệnh học của bệnh liên quan đến phản ứng thoát hạt mãn tính của các dưỡng bào được trung gian bởi IgE, và cơ chế miễn dịch qua các trung gian lympho bào Th1 và Th2 tiết ra cytokine.
Đây được xem là viêm da cơ địa vùng mắt. Các thương tổn chàm (da có màu đỏ, nhô cao) có thể được tìm thấy trên mí mắt. Da mí mắt có thể bị phù (viêm mí mắt) và cảm giác cộm. Triệu chứng có thể nhẹ hoặc nghiêm trọng, đỏ hoặc sưng mắt.