Bệnh á sừng gây ra những tổn thương ngoài da, những tổn thương đó như thế nào? Mời đọc giả cùng tìm hiểu triệu chứng bệnh á sừng!
Triệu chứng bệnh á sừng
Bệnh á sừng là hiện tượng da bị khô, nứt nẻ, bong tróc, nhất ở vùng lòng da ở bàn tay, chân. Làn da thường khô ráp, bong tróc, nứt nẻ ở phần rìa, phần gót chân, vùng da bàn tay, chân.
Vùng da bệnh sẽ bị ngứa, nổi mụn nước như bệnh tổ đỉa vào mùa hè, lâu ngày hơn, các móng bị xù xì. Tình trạng nứt nẻ ngày càng nặng hơn vào mùa đông, có thể phần da bệnh sẽ bị toét ra, rướm máu, khiến người bệnh đau đớn, khó khăn khi đi lại.
Bên cạnh đó, bệnh á sừng cũng có thể là tình trạng viêm da tiếp xúc dị ứng hay kích ứng ở bàn tay với các chất tẩy rửa trong sinh hoạt hàng ngày như bột giặt, xà phòng, nước rửa bát…
Các yếu tố gây dị ứng hay kích ứng cũng thường là tác nhân gây khởi phát hoặc làm nặng thêm tình trạng bệnh nếu đây là biểu hiện của viêm da cơ địa.
Triệu chứng tiêu biểu
Vùng da bệnh dày và chai sần, có hiện tượng lan rộng ra những vùng da khác. Vào mùa hè, vùng da bệnh nổi mụn nước, ngứa. Đối với những người mắc bệnh á sừng, móng ở bàn tay, chân có thể xuất hiện những lỗ nhỏ li ti, móng chuyển vàng và có thể tách ra khỏi nền móng.
Các dấu hiệu của bệnh thường xuất hiện ở đầu ngón tay, lòng bàn tay, kẽ tay và tương tự với bàn chân. Vùng da tổn thương có khả năng bị nhiễm nấm, vi khuẩn.
Các vị trí triệu chứng bệnh á sừng
Á sừng da đầu
Bệnh á sừng da đầu dễ bị nhầm lẫn với hiện tượng gàu da đầu. Khác ở chỗ, các vẩy khô thường xếp lớp và hình thành từng mảng trên da. Đặc biệt lớp vẩy dễ bong, đặc biệt là khi thời tiết quá khô hanh. Bệnh đôi khi đi kèm tình trạng ngứa lan rộng ra vùng da bên cạnh.
Á sừng da đầu dễ gây ra rụng tóc, do tổn thương khiến nang tóc bị ảnh hưởng. Tóc không được nuôi dưỡng tốt dẫn đến suy yếu và dễ gãy rụng. Ngoài ra, khi bị bệnh tuyến bã nhờn ở da đầu cũng bị ảnh hưởng gây ra cảm giác ẩm ướt ở chân tóc.
Á sừng ở tay
Tay là bộ phận thường xuyên tiếp xúc với các tác nhân ngoài môi trường vì vậy đây chính là bộ phận dễ bị ảnh hưởng nhất trên cơ thể nếu tiếp xúc với các chất độc hại.
Triệu chứng là da khô, sần sùi và dễ bong vẩy. Tình trạng bệnh á sừng ở tay nghiêm trọng hơn ở khu vực da có nếp gấp, dễ gây ra chảy máu. Da dễ xuất hiện mụn nước hơn.
Á sừng ở chân
Vùng da chân thường cọ xát liên tục do chúng ta đi giày, dép do đó da ở đây cũng rất dễ bị tổn thương. Đặc biệt, vùng gót chân là khu vực thường bị á sừng nhất.
Triệu chứng của á sừng ở chân khá dễ nhận biết. Da ở ngón chân gan bàn chân, đặc biệt là gót chân thô ráp, dễ đỏ, dễ bong theo từng mảng lớn. Có biểu hiện nứt nẻ đến chảy máu nhất là vào mùa lạnh.
Á sừng ở chân gây cản trở việc đi lại, nhiều trường hợp nặng còn gây ảnh hưởng đến các khớp.
Á sừng ở trẻ em
Làn da của trẻ còn non nớt khiến các triệu chứng á sừng rõ rệt hơn. Ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh, vị trí da dễ mắc bệnh là da đầu ngón tay, chân… Sau đó tổn thương dễ lan rộng ra các vùng da khác.
Mức độ chuyển biến của bệnh cũng nhanh chóng khiến da trẻ dễ nứt toác và chảy máu. Tình trạng mụn nước li ti xuất hiện nhiều ở vùng da bị bệnh.
Nguy hiểm từ triệu chứng bệnh á sừng bạn cần lưu ý
Bệnh á sừng thực chất không phải là một căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng con người. Tuy nhiên, nếu không thăm khám khi triệu chứng ngoài da xuất hiện có thể khiến cho bệnh ngày càng diễn tiến nghiêm trọng, kéo dài khó trị khỏi dứt điểm. Nếu không điều trị thì sẽ có nguy cơ mắc các biến chứng nguy hiểm như:
Bội nhiễm, hoại tử da
Khi bề mặt da bị tổn thương, các lỗ chân lông bít tắc, mồ hôi tồn đọng trong lỗ chân lông gây ra tình trạng ngứa ngáy, khó chịu, bứt rứt, người bệnh sẽ phải gãi liên tục để giảm ngứa và chính hành động này có thể gây tổn thương da.
Việc này tạo điều kiện để vi khuẩn như tụ cầu vàng hay vi khuẩn mủ xanh xâm nhập vào bên trong da gây bệnh trên nền da đang mắc bệnh á sừng, khiến làn da bị tổn thương nghiêm trọng. Nếu không được điều trị kịp thời tổn thương da diễn tiến nguy hiểm hơn có thể gây hoại tử.
Nhiễm trùng máu
Bề mặt da bị á sừng, tổn thương và suy yếu khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào trong cơ thể thông qua các vết trầy xước đó và đi vào máu gây ra tình trạng nhiễm trùng máu, có thể gây tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Kết luận
Tình trạng bệnh sẽ càng nặng hơn nếu da đã bị á sừng mà vẫn tiếp xúc với các loại hóa chất, chất tẩy rửa, bột giặt, các loại xăng dầu, hóa chất… Vùng da bị tổn thương cũng rất dễ bị nhiễm khuẩn, hay nhiễm nấm phối hợp. Hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm và bệnh thường tái đi tái lại theo một chu kỳ.